Optimus Vu là một chiếc điện thoại thật đặc biệt của LG. Trong khi phần lớn những chiếc smartphone khác trên thị trường có màn hình 16:9 thì nó lại lạc loài với tỷ lệ 4:3. Có lẽ LG đã tạo raOptimus VU để khẳng định vị thế chứ không phải mong muốn tạo ra một siêu phẩm mà có thể hấp dẫn tất cả mọi người. Đi lệch với xu hướng chung vì thế người dùng tiếp nhận chiếc điện thoại này không mấy hào hứng. Giống như việc họ đã làm với BL40 Chocolate trước đây, chiếc điện thoại màn hình 21:9 đầu tiên trên thế giới.
Đây là chiếc điện thoại đặc biệt, nó không nhắm vào phân khúc số đông khách hàng với kiểu candybar truyền thống, mà lại nhắm tới phân khúc nhỏ hẹp, những người thích sự mới lạ, thích phá cách hay chỉ đơn giản là cần một thứ gì đó đáp ứng được nhu cầu bản thân. Chính vì thế, nếu bạn chê bai nó ngay khi mới nhìn thấy thì cũng không có gì ngạc nhiên cả. Tuy nhiên chịu mở lòng và nhìn với 1 góc độ khác thì cũng có nhiều điểm sáng chúng ta có thể nói tới. Ngoài thiết kế “lạ” thì VU có một màn hình đẹp, độ sáng cao, BXL 4 nhân không quá chậm, pin rất lâu, được tặng kèmbút, bao da dạng cuốn sổ khi mua máy …
Phiên bản Optimus VU chính hãng được trang bị BXL 4 nhân, khác với bản 2 nhân đã được giới thiệu trước đây. Cùng với 1GB RAM thì máy đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu sử dụng của bạn. Thông số kỹ thuật chi tiết:
- Hệ điều hành: Android 4.0.4
- Màn hình: HD-IPS 5-inch, tỉ lệ 4:3, độ phân giải 1024×768
- BXL NVIDIA Tegra 3 bốn nhân, tốc độ 1.5Ghz
- Bộ nhớ trong 32GB
- RAM 1GB
- Micro-SIM
- Không hỗ trợ thẻ nhớ ngoài
- Máy ảnh: Trước 1.3MP, Sau 8.0MP – Ra lệnh chụp bằng giọng nói
- Hỗ trợ NFC
- Kết nối: 3G, DLNA, Wifi Direct,…
- Kích thước: 139.6 x 90.4 x 8.5mm. Nặng 168g
- Pin công nghệ mới độc quyền của LG SiO+ 2080mAh
Thiết kế
Với màn hình tỷ lệ 4:3, gần như vuông thì Optimus VU có bề ngang khá lớn, bạn có thể cầm máy bằng một tay nhưng buộc phải dùng tay còn lại cho các thao tác với màn hình cảm ứng. Tuy vậy, VU vẫn theo phong cách thiết kế chung của LG, nó có nét tương đồng với Prada hay những chiếc điện thoại khác thuộc dòng Optimus L (L3/L7/L9). Nắp pin máy không tháo được, gắn cứng vào viền hợp kim chắc chắn.
Gần như toàn bộ các chi tiết bên ngoài của Optimus VU đều chống trầy xước. Chúng ta có nắp lưng màu đen với vân sần làm bằng nhựa, viền hợp kim xung quanh máy và màn hình đều rất chắc chắn và khó trầy. Trong quá trình sử dụng mình không dùng cover, quăng trên bàn thoải mái nhưng không có vết trầy nào cả. Điểm yếu nhất có lẽ ở phím power, sau một thời dài sử dụng thì nó có hiện tượng bị xỉn màu, không còn sáng đẹp như thở ban đầu nữa. Nắp che công kết nối microUSB và phím chức năng bên cạnh cũng có tình trạng xuống màu tương tự.
Nắp che cổng microUSB là điểm mình khá thích ở chiếc điện thoại này, nó làm mọi thứ gọn hơn và đẹp hơn. Tuy nhiên về lâu về dài thì nó cũng làm giảm chất lượng máy vì trượt qua lại nhiều lần sẽ làm nó dễ xước, cũ nhanh. Có một chi tiết khá khó chịu đó là khe sim của máy, nó được che bằng nắp đậy chứ không phải là khay sim, và mặc dù có thiết kế lỗ chọc sim nhưng lại không có ngàm để đẩy nắp này ra. Vì thế mỗi khi tháo sim thì bạn phải dùng ngón tay nạy cái nắp này, hơi phiền.
Với thiết kế quá khổ thì việc nhét Optimus VU vào túi quần hơi khó chịu, thực tế thì mình toàn để nó trong balo hoặc cốp xe mỗi khi đi ngoài đường. LG đã rất chu đáo khi tặng kèm case bảo vệ, loại case như cuốn sổ tay mà trước đây tinhte có trên tay một lần. Case này khá đẹp và có cả chỗ cắm bút. Bạn nên tự trang bị thêm 1 chiếc tai nghe bluetooth để dùng chung với chiếc điện thoại này, khi đó việc sử dụng sẽ thoải mái hơn.
Màn hình
Optimus VU có một màn hình rất đẹp, sử dụng tấm nền HD-IPS với độ phân giải 1024×768, độ phân giải này đảm bảo cho máy vẫn hoạt động tốt và tương thích với những phần mềm Android hiện tại. Chất lượng hiển thị trên Optimus VU tương đương với những người anh em khác như 4X HD hay Optimus G. Mình thích LG ở điểm này, những chiếc smartphone của họ thường có màn hình rất đẹp.
Công nghệ HD-IPS cho bạn một góc nhìn rộng, hình ảnh hay nét chữ không bị rỗ, nhìn rất thoải mái. Màn hình của VU là loại trắng xanh giống trên Optimus G, tuy nhiên nó không dùng công nghệ in-cell vì thế không có chiều sâu bằng. Điểm đặc biệt là màn hình này rất sáng, độ sáng của nó là 650 nit, gần bằng Optimus Black với công nghệ màn hình NOVA cho độ sáng 700 nit. Ngay cả khi bạn ra ngoài trời nắng thì vẫn có thể dùng máy được, tuy không tuyệt vời như BlackBerry nhưng cũng phải 1 thằng 10 một thằng 8.
Một điều khác khiến mình ngạc nhiên đó là màn hình này không tiêu tốn nhiều pin lắm, trong qua trình theo dõi thì mức tiêu hao năng lượng của màn hình luôn nằm ở vị trí khá thấp. Thông thường độ sáng được để auto hoặc cố định ở mức 50%, máy hoạt động trong 13 tiếng với màn hình mở 2 tiếng thì lượng tiêu thụ điện của màn hình chiếm 6%, một con số khá khiêm tốn.
Máy ảnh
Tính năng chụp hình trên Optimus VU chỉ ở mức trung bình, chấp nhận được. Chụp ở môi trường đủ sáng thì chất lượng ảnh chụp ở mức tốt, màu sắc trung thực, tuy nhiên có một vài chỗ bị bệt màu. Trong điều kiện trời tối, thiếu sáng thì chất lượng ảnh khá tệ, nhiễu. Bạn có thể tham khảo loạt hình dưới đây để có những nhận định tốt hơn. Trong loạt hình này thì có một vài hình ảnh bị ám tím, khi mà mình chụp vô tình không để ý đã hướng máy vào nguồn sáng. Khả năng quay video của Optimus VU cũng chỉ ở mức chấp nhận được.
Phần mềm chụp ảnh của Optimus VU có đầy đủ các tính năng cần thiết giống với trên Optimus 4X HD và Optimus G. Đặc biệt là khả năng ra lệnh chụp hình bằng giọng nói, thay vì phải nhấn nút thì bạn chỉ cần nói “Cheese”, máy sẽ tự chụp giùm bạn.
Hiệu năng – Phần mềm
Optimus Vu sử dụng bộ vi xử lý 4 nhân Tegra 3 tốc độ 1.5Ghz và RAM 1GB, được cài sẵn Android 4.04 Ice Cream Sandwich. Cấu hình này khá cơ bản, máy hoạt động trơn tru, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày. Phần lớn những người bạn của mình khi cầm máy thử thì đều hỏi cấu hình của nó, tuy nhiền mình từ chối trả lời và để người ta tự cảm nhận. 7 trên 10 người đều thấy rằng Optimus VU hoạt động mượt, khác với cảm nhận ban đầu của họ về chiếc máy cục mịc này. Độ mượt của VU không nhỉnh hơn Optimus G, hi vọng trong thời gian tới khi mà Android 4.1 được chính thức nâng cấp cho chiếc máy này thì chúng ta sẽ có một hệ thống tốt hơn nữa.
Máy đang được cài sẵn Optimus UI 3.0, giống với những gì đã giới thiệu trong bài viết: Chi tiết về LG Optimus UI 3.0. Điểm khác biệt chính là phần mềm note được cài sẵn, để bạn ghi chú với chiếc bút kèm theo thuận tiện. Để kích hoạt note thì bạn chỉ cần nhấn vào phím chức năng ở trên đỉnh của máy, rất nhanh thì note được khởi chạy. Có 2 chế độ là ghi chú với hình chụp màn hình hoặc ghi chú đơn thuần không hình nền. Nếu bạn thường xuyên cần chụp màn hình -> note -> gửi đi thì đây là một tính năng rất hữu ích.
Nếu nói về tính năng note không thì Optimus VU không bằng với đối thủ Samsung Note II được. Note II vẫn thuận tiện và mạnh mẽ hơn ở tính năng này. Đặc biệt là Optimus VU không được trang bị anti-palm, nếu bạn muốn viết thì không được đặt tay trên màn hình.
Vì tỷ lệ màn hình hơi đặc biệt nên LG cũng trang bị cho Optimus VU tính năng “Aspect ratio correction”. Mỗi khi tính năng này được kích hoạt thì phần mềm sẽ chạy với tỷ lệ 16:9 bình thường, 2 bên cạnh sẽ có 2 viền đen, dành cho những phần mềm cứng đầu không tương thích với 4:3. Để kích hoạt tính năng này thì trong phần mềm đó, bạn nhấn giữ phím Home, một menu sẽ sổ ra cho bạn lựa chọn.
Có một điều lạ là dù Optimus VU có 1 đèn báo hiệu quanh phím Power nhưng nó lại không thông báo mỗi khi bạn có cuộc gọi nhỡ hay sms chưa đọc. Có lẽ lỗi phần mềm, không biết có phải chỉ mình mình gặp phải hay cả những máy khác nữa. Hi vọng LG sẽ sớm sửa nó ở bản cập nhật tiếp theo.
Thời lượng dùng pin
Mình thực sự rất ấn tượng về pin của Optimus VU, nó được trang bị pin công nghệ mới độc quyền của LG SiO+ với 2080mAh. Mặc dù vẫn thua
con số 2150mAh của Optimus 4X HD, tuy nhiên nó lại dùng lâu hơn hẳn. Cả ngày dùng khá là nhiều với khoảng gần 30 phút điện thoại (hơn 10 cuộc), lướt web – facebook – email push qua wifi khoảng 1 tiếng, qua 3G cũng khoảng 1 tiếng. Tổng thời gian lượn ngoài đường như vậy là hơn 12 tiếng thì tối về nhà vẫn còn hơn 10% pin để cắm sạc.
Mức tiêu thụ điện của màn hình còn làm mình ngạc nhiên hơn. Cả ngày sử dụng ngoài đường, độ sáng luôn để cố định ở 50% thì màn hình chỉ chiếm 6% mà thôi. Như minh hoạ dưới đây thời gian hoạt động của máy là 12h 57p, trong đó thời gian màn hình mở là 1h 54p. Chiếm nhiều nhất là Cell Standby và Wi-fi, như vậy LG vẫn có thể tối ưu pin hơn nữa cho chiếc điện thoại này. Hi vọng khi lên 4.1 thì pin sẽ dùng được lâu hơn nữa.
Optimus VU khi lướt web qua wifi thì không nóng mấy, máy chỉ hơi ấm ấm ở mức chấp nhận được bình thường (lưu ý là cả ngày mình ngồi ngoài cafe sân vườn chứ không phải trong phòng máy lạnh). Khi lướt web bằng 3G thì nhiệt độ tăng không đáng kể, khu vực camera hơi nóng hơn một chút.
Kết luận
Optimus VU không phải là điện thoại dành cho số đông, nó khác biệt. Tuỳ cảm nhận của mỗi người thích hay không, nếu bạn thích được chiếc điện thoại này thì thật tuyệt. Đảm bảo rằng bạn sẽ hài lòng với những gì mà nó mang lại.
Điểm mạnh
- BXL 4 nhân Tegra 3 với 1GB RAM
- Màn hình đẹp, góc nhìn rộng
- Thiết kế chắc chắn, chống trầy
- Pin lâu
- Phụ kiện kèm theo phong phú: case, miếng NFC, bút
(nguồn tinhte.vn)