Đánh giá chi tiết LG Optimus 3D
Điểm mạnh của Optimus 3D là tốc độ nhanh, phần cứng mạnh mẽ, tuy nhiên pin hơi yếu. Tính năng 3D không dùng kính tuy mới lạ nhưng hình ảnh hơi nhòe và trông không thật.
Phần cứng
Chiếc Optimus 3D này có hình dáng “khá béo” với chiều dài 128mm và chiều rộng 68mm, dày 11,9mm, nặng 168g vì vậy nó còn lùn và dày hơn cả Optimus Black. Nếu bạn thích một chiếc máy cầm tay lớn thì bạn nên chọn sản phẩm này còn nếu không thì có thể bạn sẽ phải thất vọng vì nó không hề “mảnh mai”.
Nhìn từ quan điểm thiết kế, thiết bị này được xây dựng rất gọn gàng. Màn hình LCD rộng 4,3 inch lan tới sát mép của mặt trước. Trên màn hình là logo màu bạc của LG, bên cạnh đó là máy ảnh mặt trước 1.3 megapixel. Ở bên trên nữa là phần tai nghe hình thang. Ở dưới màn hình là 4 nút Android.
Ở phía sau là một cặp camera 5 megapixel 3D và có một đèn flash ở giữa. Cả 2 camera đều được đặt ở trên một dải thép không rỉ, hơi chìm xuống một chút so với bề mặt giúp bảo vệ ống kính. Ở mặt sau còn có hình khắc chữ 3D stereoscopic và hình logo của LG. Loa được đặt ở vị trí góc phần tư bên dưới chữ khắc. Loa có âm thanh trong nhưng vẫn thiếu hấp dẫn.
Chiếc smartphone này có các mép cong và các góc tròn. Ở phía trong có khe cài SIM và một khe cắm thẻ microSD, bạn có thể bỏ sim và thẻ ra mà không cần tháo pin.
Mặt bên tay trái có cổng micro-USB và khe cắm HDMI. Vì 2 khe cắm này ở quá gần nhau và nắp của chúng không thể mở về 2 phía đối diện nhau nên nếu mở cả 2 cùng một lúc sẽ rất vướng víu. Bên phía đối diện có nút chỉnh âm thanh và một phím nóng tới 3D Zone (không gian 3D) của LG. Ở phía bên trên là nút nguồn và ổ cắm tai nghe 3,5mm.
Ở giữa là màn hình cảm ứng điện dung láng bóng. Màn hình rộng nhưng độ phân giải chỉ có 480×800, bù lại nó có độ nhạy rất tốt, phản ứng linh hoạt với ánh sáng mặt trời.
Camera
Máy ảnh của Optimus 3D không có gì để phàn nàn nhưng cũng không có nhiều điều đáng để nói. Mặc dù không thể bằng được ống kính 8 magepixel của Galaxy S II, nhưng máy ảnh 5 megappixel này cũng hoạt động rất tốt, có thể điều chỉnh tương ứng với cả ảnh sáng yếu và ánh sáng cao. Bạn không chỉ xem được ảnh 3D mà còn có thể tự chụp được ảnh 3D. Những bức ảnh 3D cũng khá thú vị, hình ảnh không thực sự “nhảy” ra khỏi màn hình nhưng nó cũng đem lại cảm giác thị giác khá tuyệt. Sau khi bạn chụp những bức ảnh 3D, bạn có thể lưu chúng ở định dạng MPO hay JPS. Hình ảnh 2D cũng có thể chuyển thành 3D và ngược lại.
Tuy nhiên khi chụp ảnh và quay phim 3D, bạn cũng gặp nhiều khó khăn. Khi bạn quay một người đi chậm về phía ống kính, thì hiệu ứng 3D khá ổn. Nhưng nếu như người đó di chuyển nhanh thì chất lượng video sẽ bị hỏng, sẽ xuất hiện các đốm không đều và hình ảnh bị nhân đôi. Bạn sẽ khó chụp được hình ảnh 3D khi đối tượng cần chụp ở vị trí quá gần.
3D
Câu hỏi đặt ra là liệu tính năng 3D không cần dùng kính có đảm bảo cho sản phẩm này thu hút được khách hàng hay không. Phải nói công bằng là tính năng này rất mới lạ nhưng lại nhanh chóng chán vì hình ảnh của nó không thật sự nổi lên khỏi màn hình, chất lượng hình ảnh hơi nhòe và trông không thật.
Nếu bạn có ý định xem nội dung 3D trên smartphone, bạn cũng phải tính đến nhiều yếu tố khác nữa, ví dụ như pin. Cổng HDMI cho phép bạn kết nối trực tiếp tới bất kì chiếc tivi 3D nào, nếu bạn có một chiếc tivi 3D rồi thì tính năng này cũng rất hữu ích.
Hoạt động
Một trong những đặc điểm đáng khen ngợi nhất của Optimus 3D là tốc độ. Nó có bộ xử lý 1GHz dual-core ARM A9 SOC, đồ họa PowerVR SGX540 GPU và 8 GB bộ nhớ trong cùng với 512MB RAM dual-channel (kênh đôi).
Thiết bị này cũng hoạt động rất ấn tượng trong các bài thử nghiệm chuẩn, đạt 2200 trên Quadrant, 57.1 fps trên Nenamark, 58 fps trên Neocore (fps là khung hình trên giây). Chuyển tiếp màn hình rất nhanh, và trình duyệt bản địa (native) hoạt động rất
đáng ngưỡng mộ, flash chạy cũng rất nhanh và mượt mà. Chỉ khi đóng các ứng dụng 3D và chuyển tiếp giữa các ứng dụng thì hơi chậm một chút nhưng không đáng bàn.
Nhiều hoạt động quảng bá của LG đã tập trung vào các cấu trúc “Tri-Dual” của Optimus 3D – một cấu hình kết hợp bộ nhớ kép, lõi kép và kênh đôi. Thiết kế này nhân đôi hiệu quả số lượng đường truyền của dữ liệu, về mặt lý thuyết nó sẽ làm cho thiết bị hoạt động nhanh hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Nó có thể xử lý rất nhanh khi sử dụng các trang web, các ứng dụng.
Thực tế, dung lượng của pin là điểm yếu nhất của chiếc Optimus 3D này. Dù không làm gì khác ngoài việc kiểm tra mail, cập nhật Twitter và thỉnh thoảng chơi game 3D, bạn vẫn phải sạc pin 10 tới 12 tiếng một lần.
Phần mềm
Optimus 3D có bất lợi khi chạy hệ điều hành Froyo chứ không phải Gingerbread. Cách bố trí đơn điệu và tính năng hạn chế của nó khiến cho đặc điểm chung của chiếc smartphone này không có gì đáng nói. Để mở khóa điện thoại, bạn chỉ việc trượt màn hình lên trên. Khi tới màn hình chính, bạn sẽ thấy giống hoàn toàn với màn hình thế hệ thứ 2 của Optimus UI LG với những thông tin về giờ và thời tiết ở trên đầu màn hình, khi kéo panen sang phải, bạn sẽ thấy trình duyệt, các ứng dụng âm nhạc, kho ảnh và ứng dụng game 3D.
Phần mềm của chiếc smartphone này rất đơn giản, may mắn là nó đã đưa công nghệ 3D vào để tạo điểm nhấn. Như đã đề cập ở bên trên, chiếc LG này có phím nóng dẫn bạn đến “không gian 3D” của LG với rất nhiều trò chơi, video, các clip 3D trên Youtube với giao diện giống hệt với Youtube trên các ứng dụng Android thông thường . Trong khi đó kho 3D còn kết nối bạn tới “chợ” của LG nơi bạn có thể mua thêm game và các ứng dụng đa phương tiện khác.
Rõ ràng là phần mềm không phải là điểm mạnh của Optimus 3D, chúng ta hãy chờ đợi xem nó sẽ có khác biệt gì khi được nâng cấp lên Gingerbread.
Kết luận
Tóm lại, Optimus 3D của LG thể hiện những tính năng thông minh nhưng vẫn khiếm khuyết ở một số yếu tố cơ bản như phần mềm không có gì nổi bật và pin hơi yếu. Công nghệ 3D không cần kính mới lạ nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết nên dễ gây nhàm. Hình dáng hơi “mập” nên không hấp dẫn được những khách hàng thích những thiết bị nhỏ gọn. Tuy nhiên có thể nói chiếc Optimus 3D là một chiếc smartphone rất hữu ích, hoạt động nhanh và mượt mà với thiết kế phần cứng mạnh mẽ.
Theo ICTnews